Cá lóc là loài cá được ưa chuộng nên trở thành nguyên liệu để chế biến nhiều món ăn khác nhau. Bạn dễ dàng bắt gặp chúng trong các nhà hàng từ đồng quê dân giã cho đến sang trọng đẳng cấp. Chính vì vậy mà CEKAXI.COM muốn giúp bạn hiểu hơn về loài cá này bằng cách cung cấp cho bạn nhiều thông tin về đặc điểm, công dụng và cách nuôi cá đem lại năng suất cao trong thời gian ngắn nhất.

Tập tính cá lóc
Đặc Điểm
Được biết đến với nhiều tên gọi khác nhau như: cá tràu, cá chuối, cá quả, cá hoa, cá sộp… Chúng có bản tính ăn tạp và hung dữ, thường ăn những loài động vật nhỏ hơn mình. Cá có kích thước lớn với dáng thuôn dài.
Cá lóc là loài cá nước ngọt, thường sống ở những kênh rạch, ao hồ, đồng ruộng, sông, đầm lầy,…Cả những môi trường ô nhiễm nước đục, nước ao tù… Chúng còn có thể sống nơi cửa sông trong môi trường nước lợ.
Tuy nhiên, môi trường thích hợp nhất cho cá lóc sinh trưởng và phát triển là những nơi có rong đuôi chó, có cỏ hay bèo vì nơi này tập trung nhiều con mồi cho chúng ăn.
Vào mùa hè, thời tiết nóng nực, cá thường ngoi lên tầng nước mặt để bắt mồi. Vào mùa đông, chúng chủ yếu hoạt động ở tầng đáy. Loài cá này có thể chịu được nhiệt độ cao nhất là 30 độ C.
Nếu nuôi cá lóc để phát triển kinh tế, chăm sóc và cho ăn đúng chế độ chúng sẽ lớn rất nhanh (nhờ bản chất ăn tạp). Chỉ trong 6 tháng, chúng sẽ đạt trọng lượng từ 0,8 – 1,2kg. Có thể tùy chọn mô hình nuôi cá phù hợp: bằng ao đất hay những bồn nhựa, bể ximăng, bể lót bạt,… Tất cả đều có thể đem lại năng suất cao nếu như chăm sóc đúng cách.
Công dụng của cá lóc
Như chúng ta đã biết, loài cá này được dùng để chế biến nhiều món ăn ngon và hấp dẫn.
Ngoài ra, chúng còn được dùng để trị bệnh. Nhờ vị ngọt, tính bình, không chứa độc tố mà trong Đông y cá lóc được dùng để bồi bổ khí huyết, tiêu đờm, tốt cho phụ nữ ít sữa. Đặc biệt đây còn là “liều thuốc bổ” cho những người mới ốm dậy nhờ tính dễ hấp thu vào cơ thể.
Kinh nghiệm câu cá lóc
cách nhận biết chỗ có cá
Cá lóc là loài cá di chuyển cực nhiều, do nó là loài chuyên ăn động vật, do đó phải đi săn và tìm kiếm thức ăn. Do đó chúng cũng cần phải ẩn nấp những vùng nước tối, râm và nhiều vật cản, bụi rậm để thuận tiện cho việc rình mồi.
Mồi ăn ưa thích của cá lóc là ếch nhái kích thước nhỏ, các loại côn trùng, ốc, cá nhỏ…, thức ăn của chúng khá đa dạng và luôn sẵn. Chính vì vậy, địa điểm thích hợp để câu cá lóc là những chỗ nhiều bùn, nước khá đục, có nhiều cây cỏ, bè nổi, vật cản để chúng ẩn nấp, nước ấm áp, thậm chí là những bờ kênh, kè bị chia cắt nhiều vì cá lóc cũng có thể hay làm ổ ở những khu vực đó.
Câu cá lóc nổi
Cá lóc thường săn những con mồi sống trên bờ, ven bờ như nhái, châu chấu, bọ… do đó chúng cũng thường nổi lên để đợi con mồi. Thông thường chúng có thể ngoi đầu khỏi mặt nước để soi mồi, cũng có những lúc chúng cách mặt nước khoảng một gang tay, nấp yên lặng để quan sát con mồi, đó cũng chính là hai dạng nổi phổ biến của các lóc mà chúng ta thường thấy.
Câu cá lóc nổi khá là khó, nhiều khi chúng chạy theo mồi, nhưng kể cả tiến sát con mồi chúng vẫn không đớp mồi, hoặc không có phản ứng gì. Điều này rất khó giải thích, tuy nhiên có một lý giải hợp lý, đó là dạ dày và bộ lòng của cá lóc rất bé so với các loại cá khác, đặc biệt là các loại cá ăn cỏ, đó cũng có thể là lý do tại sao cá lóc ăn ít và ít khi đớp mồi.
Mồi cẩn chuẩn bị khi đi câu cá
mồi thật
Nếu bạn câu cá lóc mà sử dụng mồi thật, mồi tốt nhất là nhái nhỏ, thứ hai là con lăng quăng, tiếp đến là các loại côn trùng như dế, châu chấu… những loại côn trùng có tại chỗ. Tuy nhiên nếu dùng những loại côn trùng này thì bạn nên giữ nguyên trạng con mồi, không xé nhỏ để dụ cá được tốt hơn.
Mồi giả
Một loại mồi phổ biến hơn thường được các cần thủ dùng đó là nhái nhảy, nhái nhảy có kích thước thực của một con nhái bình thường, màu sắc, chân tay đều giống nhái thật 100%, thậm chí có loại nhái nhảy còn phát ra mùi nhái, hoặc có pin bên trong để mô tả các hoạt động của nhái.
Sử dụng mồi này thường tiết kiệm về mặt thời gian, và hiệu quả cũng được đánh giá là cao hơn. Khoảnh khắc tạo action cho nhái và vài chú nhái trườn mình bơi theo, hau háu là cái thú của những anh em nghiền câu lóc. Bạn đọc có thể tham khảo thêm bài viết top 10 mồi câu lure cá lóc nhạy nhất hiện nay
Cách thả mồi
Trong cả hai trường hợp sử dụng mồi giả hay mồi thật thì sau khi thả mồi xuống bạn vẫn cần phải tạo action dưới hoặc trên mặt nước cho con mồi, bằng cách kéo và rê, hoặc tạo động tác nhảy giả tùy vào loại mồi mà bạn sử dụng.
- Thả mồi ở hai bên của cá nếu bạn đã nhìn thấy cá, cách con cá khoảng 1m-3m nếu bạn đã có mục tiêu rõ ràng.
- Thả mồi trước mặt cá, cách khoảng 1m -2m
- Thả mồi phía sau cá, cách khoảng 3m sau đó kéo mồi về phía cần
Khi đi câu cá lóc, trừ những ngày gió to, mặt nước nhiều sóng lăn tăn thì cá lóc thường ít ăn do chúng bị quan sát kém, chúng tập trung săn mồi vào sau những ngày mưa to, nước dâng, nhiệt độ trời ấm. Ngoài ra do vấn đề an toàn, những ngày trời mưa, sấm sét anh em cũng không nên ra ngoài câu cá vì thời tiết sẽ gây nguy hiểm.